CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG HẢI ĐĂNG. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

Làng Lương Ngọc











Làng Lương Ngọc

Hiện nay thuộc xã Thúc kháng – Bình giang - Hải dương
Ngày xưa Thuộc Đường an - Phủ Bình giang - Hải dương
Là một làng cổ Việt nam, Tương truyền, làng Lương Ngọc hình thành vào thời nhà Đinh (năm 980), trước là làng Bông Thôn, thuộc xã Ngọc Cục, sau đổi là Lương Đường, thuộc huyện Đường An, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Nay là làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Quê tiến sĩ Vũ Huy Diệm, Phạm Quý Thích, Phạm Quỳnh.
Phạm Quy Thích (1760 – 1825), đỗ tiến sĩ năm 1779, làm quan đời Lê, sau về mở trường dạy học. Ông nổi tiếng là một thầy giáo có uy tín, sáng tác nhiều, có khuynh hướng hoài cổ đậm đà. Ông là bạn thân của thi hào Nguyễn Du, người đầu tiên phẩm bình và tổ chức việc in ấn Truyện Kiều bằng chữ Nôm khắc ván, để phổ biến ra xã hội.
Từ thị trấn Kẻ Sặt, theo quốc lộ số 38 đến ngã ba chợ Cống Tranh thì rẽ trái vào một con đường nhỏ, ven theo một dòng sông. Qua ngôi đền nhỏ nằm sát đường, đó là đền thờ Phạm Sĩ, một danh tướng đời Trần.
Hỏi ra đây là đất Châu Khê, trước khi vào làng văn hóa Lương Ngọc, một trong 7 thôn của xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang.
Lương Ngọc là tên mới. Xa xưa đất ấy có tên Hoa Đường. Chữ Hoa có nghĩa là đẹp, không phải nụ hoa. Tháng 3 năm 1841 Hoa Đường phải đổi là Lương Đường, vì kỵ húy một trong 43 bà vợ vua Minh Mạng là Hồ Thị Hoa, người sinh ra vua Thiệu Trị, nối ngôi tháng 1 năm 1841. Tháng 12 năm 1885, Lương Đường lại một lần phải đổi thành Lương Ngọc, vì phạm vào tên của vua Đồng Khánh, húy là Ưng Đường!
Nằm ở phía tây phủ Bình Giang và khu vực tây tỉnh Hải Dương, Hoa Đường phía bắc giáp Kẻ Sặt và làng Châu Khê; đông và nam giáp các làng Mộ Trạch, Hoạch Trạch và Ngọc Cục; ranh giới phía tây là con sông Nghĩa Giang, gọi là sông Cửu An, ngăn cách Hoa Đường với làng Phù Ủng.

Hoa Đường có 3 ngôi chùa cổ( Chùa Chè ,chùa Hoá,chùa Khúc lâm?). Một làng có tới ba ngôi chùa cũng là hiếm. Nhưng đến nay chỉ có một chùa Sùng Nghiêm vẫn còn, mới được tôn tạo khoảng đầu thế kỷ XX. Từ tấm bia Sùng Nghiêm tự lập năm 1702 nhân dịp trùng tu ngôi chùa cũ, mới ước lượng rằng ngôi chùa xưa đã xuất hiện từ nửa sau thế kỷ 17. Khoảng hơn chục năm nay, thôn Lương Ngọc đã dựng nhà văn hóa trên nền trường Tổng sư xưa, do Thượng thư Phạm Quỳnh cho đặt ở nguyên quán mình.
Ở đây còn ngôi đình thờ thành hoàng là Tiến sĩ Vũ Thiệu, vị khai khoa cho bản xã, đỗ khoa Quý Sửu 1493 đời Lê Thánh Tông. Sách Đại Nam thực lục có ghi rõ việc này “ Trung đẳng thần Chí Đức Ngọ Lang Vũ. Thần họ Vũ, lấy hiệu là Ngọ Lang cư sĩ, đỗ Tiến sĩ khoa Quý Sửu (1493) triều Lê, làm quan đến Giám sát ngự sử. Khi nhà Mạc cướp ngôi vua, ông không muốn làm tôi nhà Mạc, bèn về ở ẩn nơi ruộng vườn. Về sau Mạc triệu ra, ông nhảy xuống sông tự tử. Lâu năm tích tụ thành linh thiêng, dân Hoa Đường lập đền thờ cúng”.


Hoa Đường có ngôi đình ở đ ầu làng, xanh rợp bóng cây và thơm ngát ao sen. Nhưng qua chuyện kể của người làng lại càng cảm động, bởi vì làng Hoa Đường xưa, còn có một ngôi đình vọng.
Câu chuyện bắt nguồn từ một lần thầy địa lý Tả Ao đi qua Hoa Đường, khen đình làng đẹp, nhưng xây ngoài lũy tre, mới phán “Đất này đãi ngoại, ai ra khỏi làng làm ăn mới phát”. Chẳng biết thật giả ra sao, nhưng bao đời người dân Hoa Đường đã tiếp nối nhau ra khỏi làng để lập thân lập nghiệp. Nhưng đông nhất vẫn là ở Thăng Long đô hội. “Dân đâu thần thánh đó”. Thành ra ở Hà Nội có hẳn một “Lương Ngọc xã thuộc Hà” có đến ba nghìn nhân khẩu.
Đình vọng Lương Ngọc ở số nhà 68A phố Hàng Bông, Hà Nội. Các thế hệ người dân Lương Ngọc xa quê đã cùng nhau góp công sức lập nên đình này để thờ cúng thành hoàng, khi mà từ thời Tự Đức giặc giã liên miên, binh đao khói lửa, đường đi cách trở, không thể về làng thờ phụng được. Đình vọng này là khu đất gia cư, được mua lại vào tháng 5 năm Thành Thái thứ 2 (1890) có bề ngang 16 thước, bề dài như trong địa đồ. Tháng 5 năm 1892 niên hiệu Thành Thái 4 đình được dựng lên. Từ đáy xuân thu nhị kỳ, quan dân sĩ tử, sinh sống ở Hà thành tới đây thờ vọng.
Thế rồi cuối năm 1969 đầu năm 1970, đình bị bán lại cho một hợp tác xã làm chỗ kinh doanh…!? Rồi HTX nọ lại sang tên cho một tư nhân khác. Con cháu làng Hoa Đường – Hà Nội cùng bản xã Lương Ngọc vất vả ba năm (1993-1996), mới chuộc được các đồ thờ tự còn sót lại. Cũng may người mua lại đình cũng có tâm, họ đã đem đồ thờ cúng này vào Đền Bạch Mã gửi, mới còn. Tết Đoan Ngọ năm 1996, Ban liên lạc đồng hương Lương Ngọc – Hà Nội đã tạm mang đồ thờ về để nơi quê gốc.
Hoa Đường là đất văn chương, chữ nghĩa. Vũ Thiệu là người khai khoa như đã nói phần trên. Trong làng trước sau có 12 vị đỗ tiến sĩ. Trong đó 4 Hoàng giáp, 8 Tiến sĩ văn và võ. Nếu tính cả các Cử nhân, thì Hoa Đường có thời kỳ trong khoảng hai trăm năm, trung bình cứ 5-6 năm lại có một đám khao vọng và vinh quy bái tổ. Năm Kỷ Hợi 1779 Hoa Đường phát cả đường văn (Tiến sĩ Phạm Quý Thích), cả đường võ (Tạo sĩ Vũ Tá Cảnh). Điều lạ là tuy Mộ Trạch khai khoa sớm trước chín mươi năm (khai khoa cho làng là 2 người họ Vũ đậu Hoàng giáp năm 1304), nhưng từ sau năm 1754 thì cạn kiệt mạch đại khoa. Còn Hoa Đường dẫu mở khoa muộn hơn, mà nối dài như nguồn nước sông Cửu An, cứ đều đặn tuôn ra cho đến tận năm 1901. Vì thế những năm ấy hình ảnh Hoa Đường trong thi cử sáng ngời lên rực rỡ khiến cho Mộ Trạch bị nhạt mờ…
Sự nghiệp khoa bảng của Hoa Đường thăng hoa có phần do ảnh hưởng của phong thủy. Người xưa nói: Nhất cận thị, nhị cận giang – thứ nhất gần chợ, thứ nhì gần sông. Đất Hoa Đường thuận lợi cho giao thông và sinh hoạt. Đây là vùng sóng giao thoa của mảnh đất võ Phù Ủng và đất khoa bảng Mộ Trạch, từng được mệnh danh là trung tâm văn hiến cổ đại “Tiến sĩ sào” (cái tổ sinh ra tiến sĩ).
Sách cũ chép: “Mạch đất từ Mộ Trạch qua Ngọc Cục dẫn vào địa phận Hoa Đường”. Họ Vũ ở Hoa Đường chiếm đại bộ phận dân số trong làng, lại chiếm nửa phần khoa cử, có họ hàng từ họ Vũ Mộ Trạch chỉ cách một cánh đồng. Với danh hương Phù Ủng, người Hoa Đường cùng uống chung một nguồn nước sông, họp cùng một phiên chợ tết. Con gà cất lên tiếng gáy, gọi bao ngọn lửa bừng lên mỗi bếp nhà. Đến thời vụ nông nhàn, tiếng hát trống quên tha thiết ở đôi bờ sông Cửu An đã gắn bó bao nhiêu lứa đôi kết thành chồng vợ, cũng chứng kiến bao nhiêu tiếng than thở nhớ mong?
Người Hoa Đường chỉ quen làm nghề có nguồn gốc là chữ nghĩa. Học hành hiển đạt, chỉ có cách đi làm thơ lại. Sách Lịch triều hiến chương loại chí tập I của Phan Huy Chú đã ghi các ngành nghề truyền thống như sau: “Làng Hoa Đường quen việc tính toán, thông hiểu việc làm thông lại ti thuộc, ở các vệ trong kinh, ngoài trấn”. Truyền thống và phong tục làng quê lại buộc phải vinh quy bái tổ, thăm viếng phần một tiên liệt. Đi đâu, làm gì người dân vẫn tự hào mình là người quê gốc Hoa Đường, hình ảnh làng quê đã ăn vào máu thịt con người. Phạm Quỳnh khi làm quan trong Huế, có một biệt thự bên dòng sông An Cựu, cũng lấy tên biệt thự Hoa Đường, để nhớ về cội nguồn họ Phạm?
Ngày nay Lương Ngọc là thôn lớn trong bảy thôn của xã Thúc Kháng, Bình Giang tỉnh Hải Dương. Cả thôn có 400 gia đình với 1800 nhân khẩu, thuộc 10 dòng họ. Sau nhiều năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư “, năm 2008, làng Lương Ngọc được công nhận là Làng Văn Hóa. Thành tích ấy là cả quá trình phấn đấu, đồng lòng quyết tâm xây dựng quê hương của cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây.Ti ếp t ục phát huy truyền thống y êu nước trong hai cu ộc kháng chiến chống Pháp ,chống Mỹ anh dũng

Trong thôn đã xây dựng được một nhà văn hóa hai tầng, khang trang, với các lớp học mầm non, sân chơi thể thao; kiên cố hóa 1.8km đường bê-tông, xây kè hệ thống rãnh thoát nước của thôn, lắp đặt thêm một trạm biến áp phục vụ điện sinh hoạt cho nhân dân… Trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ hợp lý, thôn Lương Ngọc còn tích cực tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Ngoài diện tích gieo trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao, thôn còn đưa vào gieo cấy các loại lúa lai năng suất cao và chuyển một phần diện tích trồng lúa năng suất thấp sang đào ao thả cá, phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại. Cả thôn có 40% số hộ làm nghề kim hoàn truyền thống, hằng năm cho thu nhập ổn định 20 triệu đồng/hộ. Ngoài ra còn có hợp tác xã vàng bạc Tân Tiến, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động với thu nhập ổn định 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó năm 2008 thu nhập bình quân mỗi người trong thôn đạt 8 triệu đồng/năm. Tất cả các gia đình có nhà xây, trong đó 60% là nhà mái bằng, 90% số hộ có xe máy, 100% sử dụng điện trong sinh hoạt, 90% sử dụng nước hợp vệ sinh, 60% có điện thoại… Số hộ giàu chiếm 22%, khá 35%, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 8%.
Các gia đình đều thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới và quy ước làng văn hóa, thực hiện nghiêm quy định về lành mạnh hóa việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng mô hình gia đình ít con, bình đẳng tiến bộ hạnh phúc. Đời sống vật chất và tinh thần nhân dân tăng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt. Qua bình xét, có 80% số hộ trong thôn đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Hằng năm 100% số học sinh đúng độ tuổi được vào học lớp 1; tỉ lệ học sinh giỏi ngày một tăng, bình quân mỗi năm có 7-8 học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Các hoạt động tình nghĩa, từ thiện được nhân dân tích cực hưởng ứng.
Danh hiệu Làng văn hóa là động lực để cán bộ đảng viên và nhân dân thôn Lương Ngọc tiếp tục phấn đấu nâng cao đời sống mọi mặt.

1 nhận xét:

  1. Xin hỏi thôn Lương Ngọc có nhiều người họ Ngô không ạ?

    Trả lờiXóa



* Các bạn có thể copy link hình và link video clip của youtube và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.