Hội làng Châu Khê
Làng Châu Khê có 2 điểm khác các làng xung quanh. 1- Làng nghề
vàng bạc nổi tiếng cả nước với tuổi nghề 550 năm. 2- Phố Hàng Bạc ở Hà Nội từng
là làng Châu Khê tại phố trong lịch sử và hiện tại. Ngày làng mở hội, không
phải ngày sinh, ngày hoá của vị thần được dân làng thờ làm Thành hoàng làng.
Vài
nét về làng Châu Khê:
Thăm
đình làng Châu Khê (còn gọi là Châu Khê tại hương), xã Thúc Kháng, huyện
Bình Giang, tỉnh Hải Dương, chúng tôi tìm đọc văn bia chữ Hán Nôm dựng ở khu
sân đình. Văn bia “Trùng tuyên duyên khánh đường bi” dựng năm Minh Mệnh
thứ 2 (1821) nói về chuyện khắc lại tấm bia của Trần Nguyên Đán (Đại tư đồ
quan bi) có nhắc đến hành trạng vị Chỉ huy sứ quân, Chu Tam Sương (nay viết
Xương) người lập lên trang Chu Xá đời Lý (1009- 1225), sau này là làng Châu
Khê,.Văn bia còn tả vẻ đẹp của di tích thắng cảnh Duyên khánh đường. Chúng tôi
chú ý tới văn bia này bởi, văn bia chưa được quan tâm nghiên cứu, ngay tác giả
sách Châu Khê thần tích lịch sử và phát triển, xuất bản tháng 5 năm 2009 cũng
cho rằng: Chỉ tiếc là bia của Trần Nguyên Đán không còn. Chúng tôi còn được
tiếp cận văn bản Châu Khê thần tích sự trạng viết chữ Hán Nôm, dày 46 trang,
soạn năm 1572, tái bản năm 1736, địa phương sao chép năm Thành Thái 12 (1900),
viết về danh tướng Phạm Sỹ thời Trần, được dân làng suy tôn làm Thành hoàng
làng. Đọc bản dịch Châu Khê thần tích sự trạng do chuyên gia Hán Nôm, nhà thư
pháp học Lê Xuân Hoà biên dịch. Người làng Châu Khê, tác giả bài thơ Ông đồ
sáng tác năm 1936, Nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên chép tay. Nghe bậc cao niên
kể về lễ hội làng thời trước cách mạng Tháng Tám 1945, nguyên nhân phát sinh
nghề vàng bạc ở Châu Khê. Thăm chùa làng, nghe kể chuyện về quả chuông đồng lớn
nhất vùng, về vị sư trụ trì giúp đỡ cơ sở Việt Minh trong những năm cam go thời
9 năm kháng chiến. Những tư liệu này đều liên quan đến lễ hội làng Châu Khê.
Theo
thần phả, thời Trần làng Châu Khê có tên trang Chu Xá, huyện Đường An phủ
Thượng Hồng. Thời Nguyễn, Châu Khê thuộc tổng Thị Tranh, huyện Bình Giang, tỉnh
Hải Dương. Làng Châu Khê có địa thế “huyệt chân long nổi lên uốn khúc hình
con rắn. Thế đất như 2 con mắt rồng cùng mở… dân ở tựa vào thân rồng. Phía Nam
ngựa hướng chiếu vào, phía Bắc phượng hoàng múa cánh, địa thế xung quanh bằng
phẳng”. Tác giả viết thần tích Thành hoàng làng Châu Khê kết luận “quả
là một quý địa”. Đó là cách nhìn của phong thuỷ học về những giá trị đất
làng Châu Khê. Đứng ở cổng làng Châu Khê (cổng chữ Môn), 2 tầng, có biển
ghi "Làng văn hoá Châu Khê" nhìn chếch về hướng Nam, mé bên
kia sông Cửu An là đền thờ Phạm Ngũ Lão.
Nhân vật
được thờ được ghi chép ở Bản khai sự tích thành hoàng làng và sách Châu Khê
thần tích sự trạng. Văn bản châu Khê thần tích quy định, "Ngày thần
sinh, mồng 1 tháng Giêng hành lễ, sau 1 ngày quét dọn cung đình, thổi xôi,
trầu, rượu, ngày chính mổ trâu lợn, mở xướng ca, đánh cờ suốt 15 ngày". Quy
định kiêng huý chữ Sỹ, Dực, Hổ. Quy định cấm mặc sắc phục màu vàng, màu tím.
Đây là những quy định khác so với văn bản Bản khai sự tích Thành hoàng làng
viết năm 1938. Sự khác nhau này có lẽ do khi các vị chánh hội, lý trưởng khai
về phong tục thờ cúng Thành hoàng làng trước sắc lệnh của nhà vua lúc đó địa
phương không còn duy trì kiêng khem cấm kị nữa.
Châu Khê
là làng nghề có tuổi 550 năm (tính đến năm 2010). Làng Châu Khê, thời
Vua Lê Nhân Tông nổi tiếng cả nước về nghề vàng bạc. Năm 1460, thượng thư Bộ
Lại Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê được vua giao trọng trách đúc bạc nén làm
tiền tệ tại kinh thành Thăng Long. Ông đã dành cho người làng đặc ân ấy, chuyển
gia đình ở làng lên mua đất tại phường Đông Các, Đông Thọ, tổng Hữu Trác, huyện
Thọ Xương, lập xưởng đúc bạc nén. Địa chỉ ấy, nay là số nhà 58, phố Hàng Bạc,
quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tại kinh thành, người Châu Khê tổ chức thành
phường giáp như ở quê và lập đình, gọi là “Châu Khê vọng sở” cùng thờ
Thành hoàng và tổ nghề như ở quê. Người Châu Khê tại phố có phong tục gửi giỗ
nên khi làng mở hội người Châu Khê tại phố tích cực về tham gia hội làng. Nghề
nghiệp phát triển, người Châu Khê làm nghề ở nhiều phố phường khác, nhiều địa
phương khác như, phố Phúc Tân Hà Nội, thành phố Hải Phòng, thành phố Hải Dương.
Nhiều người Châu Khê tại hương, tại phố cho rằng, số hộ ở quê và số hộ ở phố
thường tương đương nhau. Theo số liệu thống kê năm 2008, làng có tới 97,32% gia
đình làm nghề với ngót 800 tay thợ giỏi. Hàng có chất lượng bền đẹp, mẫu mã
phong phú. Năm 2004, UBND tỉnh Hải Dương công nhận danh hiệu: Làng nghề thủ
công vàng bạc Châu Khê. Trước đó, năm 1999 Châu Khê được công nhận danh hiệu
Làng văn hoá, năm 2008 được công nhận danh hiệu Làng văn hoá sức khoẻ.
Châu Khê
từng sản xuất vàng thỏi hàng mã đặt ở ban thờ đình làng, cung cấp cho cả vùng
bày trong mâm lễ ngày các làng mở hội. Trên ban thờ ở đình làng, ở các gia
đình, ở nhà thờ dòng họ Châu Khê hiện có vàng thỏi này nhưng nay không còn gia
đình nào làm.
Nghề
vàng bạc Châu Khê hình thành 3 nhóm chính, sản xuất, gia công; chế tác khuôn
mẫu; mở cửa hàng.
Dân số
Châu Khê năm 2008 là 1300 người/267 hộ. Diện tích tự nhiên 78,4 ha, trong đó có
63 ha đất canh tác. Châu Khê có ban đồng hương tại hương và ban đồng hương tại
phố. Mục đích thành lập ban đồng hương là để hỗ trợ nhau cùng phát triển và
cùng phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Ban đồng hương tại phố, còn gọi
là "ban đại diện tại phố" ở phố Hàng Bạc, phố Phúc Tân Hà Nội,
quận Kiến An thành phố Hải Phòng. Lãnh đạo thôn có Chi bộ đảng thành lập ngày
15.2.1947, có chính quyền (trưởng phó thôn), mặt trận và các đoàn thể
như Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội
nông dân, Hội người cao tuổi. Khi làng mở hội, chính quyền, đoàn thể vừa là bộ
phận tham mưu, vừa là thành viên tích cực.
Hiện nay
làng Châu Khê là 1 trong 7 thôn của xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang.
Đến Châu
Khê có 3 lối đi chính, đi theo Quốc lộ số 5, đến ngã tư Quán Gỏi, rẽ về phía
Nam vào cầu Sặt, theo quốc lộ 38, đến gần Cống Chanh (ngã ba Cống Chanh)
thì rẽ trái. Bám theo đường đê sông Cửu An, đi qua thôn Chanh Trong, chừng 700
mét đến cổng chính, thường gọi là Cổng Bến. Cổng ở ngay dưới chân đê, kiến trúc
2 tầng, kiểu chữ Môn có biển ghi "Làng văn hoá Châu Khê - 1998".
Đất làng nằm sát đê sông Cửu An. Vào làng Châu Khê qua cổng xây hình chữ Môn
hoặc đi thêm 1 đoạn qua nghè, lăng miếu thờ Phạm Sỹ thì rẽ trái, đi theo đường
làng qua chùa làng có tên chữ là Sùng Ân tự. Đi qua chùa 1 đoạn đường là đến
đình làng. Còn lối đi nữa là từ ngã ba đoạn đường quốc lộ 39A (điểm phố
Chương Xá) rẽ vào quốc lộ 38, đi qua ngã tư thị tứ huyện lỵ Ân Thi, đến
Cống Chanh, đi thêm độ 50 m thì rẽ phải, đường trải nhựa, mặt bằng phẳng. Du khách
có thể đi đường 20A, đến Phố Phủ (Phủ Cũ), rẽ vào đường 194, lối vào làng Mộ
Trạch. Qua làng Mộ Trạch đến đầu làng Mới, thuộc Xã Thúc Kháng, rẽ phải vào
thôn Ngọc Cục, đi tiếp qua trụ sở UBND xã Thúc Kháng, đi tiếp qua thôn Lương
Ngọc. Bám theo đường đê (đã trải nhựa), qua làng Lương Ngọc, đến làng
Châu Khê.
Đình
làng Châu Khê có tên chữ là Sỹ công Đại vương từ, ngự trên trên mảnh đất ở
trước làng, diện tích 2118m2. Thế đất cao rộng, khởi dựng từ cuối
thế kỷ XIII (1290), đã qua nhiều lần trùng tu, năm bảo Đại 16 (1941) có đợt
trùng tu lớn. Đình có cổng tam quan, cổng ngách, sân lát gạch đỏ, tường bao 3
mặt. Trước nhà tiền đình xây 2 nhà giải vũ, diện tích 150,2m2. Đình
có kiến trúc hình chữ Đinh, nhà tiền tế 5 gian rộng 207,48m2, nhà hậu
cung 61,2m2. Bia đá, ngựa đá (niên đại thời Lê, thời Nguyễn)
ở khu sân đình gần cổng tam quan. Trong khuôn viên đình có cây cảnh, cây ăn quả
và vườn hoa. Mái đình lợp ngói vẩy cá, nóc đắp rồng kìm, đắp lưỡng long chầu
nhật. Tiền bái có ban thờ đặt hương án, bát hương, cây nến, mâm bồng, bàn đặt
lễ vật, hoành phi câu đối chữ Hán Nôm. Hậu cung có bệ thờ, hương án, bát hương,
đỉnh đồng, tượng Phạm Sỹ, ngai thờ, hạc, hoành phi, câu đối, bát bửu, long
đình, kiệu bát cống, cờ lọng, tán, quạt, tranh Phạm Sỹ, tranh Trần Hưng Đạo Đại
Vương, tranh Chu Tam Sương. Những đồ thờ này được bày ở vị trí thích hợp, thể
hiện tính thiêng, tính mỹ thuật. Hậu cung còn đặt ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh,
các liệt sỹ làng Châu Khê.
Nghè
Châu Khê hiện nay không còn nhưng theo Bản khai sự tích thành hoàng làng thì
nghè được Phạm Sỹ cho tiền làm. Đình sau này mới làm. Nghè kiến trúc hình chữ
Nhị gồm 7 gian chính, ba gian hậu cung, có cổng, giếng nước. Nghè tồn tại đến
thập niên 70 của thế kỷ XX. Trong suốt thời gian tồn tại nghè được sử dụng làm
trường học, nghè là "điểm đến" của hành trình đám rước ngày
hội làng.
Ở những
địa phương khác, lễ hội làng (ngày làng vào đám) với những quy định về
nghi thức lễ, những trò chơi... thường được ghi vào hương ước. Theo các bậc cao
niên tại quê, tại phố trước đây Châu Khê có hương ước nhưng đã thất lạc. Nghi
lễ được ghi trong “Bản khai sự tích Thành hoàng làng” của chính quyền xã Châu
Khê (nay là thôn châu Khê) năm 1938 thì Châu Khê có 7 ngày tế lễ trong
năm. Ngày mồng 1 tháng Giêng (ngày thánh đản), ngày mồng 1 tháng Chạp (ngày
thánh hoá), ngày 7 tháng Giêng (tế lễ mùa Xuân), ngày 17 tháng 7 (tế
lễ mùa Thu), ngày 2 tháng 3 (tế lễ hạ điền), ngày17 tháng 7 (tế
lễ thượng điền), ngày 18 đến 21 tháng giêng (tế lễ kỳ phúc), ngày 26
tháng giêng (tế lễ kỳ yên). Đồ lễ (vật lễ) dùng lợn, gà, xôi,
oản, giầu (trầu), rượu. Đồ lễ do người đăng cai chuẩn bị. Khi lễ xong
thì những người dự lễ thụ lộc (kiến viên ẩm nhẫm).
Về thành
phần, tiêu chuẩn dự lễ mục VI, VII trong bản khai sự tích thành hoàng làng ghi:
Cả làng đều được dự tế lễ. trong ngày tế lễ, trong khi hành lễ, những người dự
lễ phải ăn chay, tắm gội. Không có việc riêng cho giai tân gái tân hay người có
tuổi vợ chồng song toàn. Trang phục khi tế lễ, mục VIII ghi: Lúc tế lễ thì mỗi
người dự lễ đội mũ, mặc áo thụng lam.
Lễ rước
ở phố Hàng Bạc, trước cách mạng tháng 8/1945 thường rước từ nhà số 42 hàng Bạc (nhà
ty quan) sang nhà 58 hàng Bạc (nhà giao nhận sản phẩm).
Khi phục
hồi lễ hội (năm 1991), chính quyền và ban quản lý di tích căn cứ vào trí
nhớ của những người đã từng tham gia, đã từng xem hội, tham khảo lễ hội các địa
phương lân cận và hướng dẫn của ngành văn hoá, sau đó xây dựng quy định về lễ
hội và được đưa vào quy ước làng văn hoá Châu Khê, tại 3 điều: 4, 5, 7. Điều 4,
điều 7 quy định độ tuổi tham gia lễ hội (có phần cứng và phần mềm),
"Nam nữ của làng (nam từ 18, nữ từ 16) trở lên đều có bổn phận tham
gia vào các ban của làng để cùng chăm lo việc lễ hội (phần cứng). Điều 7
ghi: Tất cả nam 18 tuổi, nữ 16 tuổi đến 70 tuổi (các cụ trên 70 tuổi được
BTC trân trọng mời là đại biểu danh dự của lễ hội) và một số thiếu niên có
năng khiếu đều được phân công vào các tiểu ban của lễ hội, kể cả những người đi
làm ăn xa về, cần tự nguyện gặp ban tổ chức nhận việc hội coi như bổn phận và
trách nhiệm tất nhiên, nếu không nhận việc hội coi như bị hẫng hụt điều gì đó
trân trọng nhất trong một năm làm ăn (phần mềm). Điều 5 nêu tên gọi lễ
hội, ngày tổ chức lễ hội, quy định về cơ cấu trưởng phó ban tổ chức lễ hội. Tên
gọi lễ hội: Lễ hội Xuân- giỗ tổ nghề kim hoàn làng Châu Khê, có năm ghi: Lễ hội
Xuân- giỗ tổ nghề vàng bạc Châu Khê. Ngày tổ chức lễ hội "vào ngày 19
tháng giêng hàng năm". Ngày 1 tháng Chạp hàng năm (ngày hoá của Thành
hoàng làng) được chọn là ngày thành lập ban tổ chức lễ hội. Cơ cấu BTC gồm
trưởng phó ban và 8 tiểu ban: 1 trưởng, 5 phó (trưởng thôn, cấp uỷ, ban quản
lý di tích, mặt trận tổ quốc thôn, người cao tuổi thôn). Có 8 tiểu ban gồm:
Tổ tế nam, tuổi từ 45 trở lên (11-13 người); tổ dâng hương, gồm các nữ
trung 35- 45 tuổi, (25 người); tổ dâng hoa, gồm các cháu thiếu niên
12-15 tuổi (20 cháu); tổ kiệu bát cống, long đình, nam 18-45 tuổi (30
người); tổ cờ lọng, bát bửu, nữ 18-60 tuổi (32 người); tổ rồng sư
tử, nam (18 người); tổ tiếp tân, khánh tiết (20 người). Ban tổ
chức xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, báo cáo, đề nghị chính quyền các cấp cho
phép kế hoạch này được triển khai. Những năm chưa có quy chế lễ hội của Nhà
nước, thường có văn bản đề nghị (xin phép) mở lễ hội, kèm văn bản kế
hoạch mở hội gửi chính quyền, ngành Văn hoá Thông tin. Câu cuối trong điều 5
còn ghi: Mọi người dân dù sinh sống ở nhà hay đi làm ăn xa đều trở về và có bổn
phận tham gia công việc của làng do ban tổ chức phân công. Điều 7 quy định về
quy mô lễ hội hàng năm, nhiệm vụ của ban tổ chức, quy định về phần lễ, phần
hội. Quy mô lễ hội, điều 7 ghi: Những năm thường, hội mở nội bộ, những năm chẵn
hội mở lớn ngày 17-18-19. Thành phần ban tổ chức lễ hội có đại diện tại hương
tại phố. Quy ước nêu rõ, tại hương chủ trì, tại phố hưởng ứng. Ban tổ chức làm
việc theo nguyên tắc, cấp uỷ lãnh đạo, chính quyền điều hành, ban quản lý lập kế
hoạch, MTTQ thôn, hội người cao tuổi thôn cùng đôn đốc thực hiện. Trung tâm tổ
chức lễ hội tại đình làng.
Mục
đích, yêu cầu của lễ hội: Đảm bảo trang nghiêm, cội nguồn, dân trí lành mạnh,
tiết kiệm, an toàn, không ảnh hưởng đến sản xuất. Cấm lợi dụng lễ hội để hành
nghề mê tín dị đoan, cờ bạc, phân bì ngôi thứ gây mất đoàn kết xóm làng. Lực
lượng nòng cốt của lễ hội, điều 7 ghi: Hội làng lấy đội tế nam, đội trống, đội
kiệu long đình, đội dâng hương dâng hoa, đội cờ lọng, bát bửu, đội rồng, sư tử
làm nòng cốt. Phần hội có các trò vui chơi giải trí như, cờ tướng, bóng đá, cầu
lông, dưỡng sinh (thể dục), chọi gà, chạy việt dã. Văn bản Quy ước làng
Châu Khê chưa đưa hoạt động văn nghệ nhân ngày hội làng nhưng thực tế mỗi khi
làng mở hội đều có chương trình văn nghệ, do lực lượng địa phương hoặc mời đoàn
văn công, đội văn nghệ ở các địa phương khác biểu diễn, giao lưu, phục vụ hội,
phục vụ nhân dân không thu tiền vé. Trong văn bản Thần tích có ghi "xướng
ca, đánh cờ 15 ngày". Thể thức hát xướng ca, đánh cờ còn rất ít người
nhớ. Ông Lê Xuân Thọ, năm nay 85 tuổi (sinh năm 1924), hiện ở 42 Tam
Giang, thành phố Hải Dương kể, vào khoảng năm 1942, 1943, 1944 ông là người
châu Khê tại phố về quê xem hội được các cụ cho đánh trống tế, dân làng ngày đó
ra đình xem tế đông lắm. Thể thao hiện nay có tổ chức thi đấu bóng đá, cầu
lông, kéo co, chọi gà và trình diễn của câu lạc bộ dưỡng sinh. Bậc cao niên
trong làng (thế hệ sinh trước, sau năm 1900) còn kể chuyện, thời trước
Cách mạng tháng 8/1945, Châu Khê tổ chức thi luộc gà tại sân đình, thi trồng
cây chuối dưới nước. Nhiều năm tổ chức hát trống quân bên bờ sông Cửu An giao
lưu với làng Phù Ủng, huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên. Điều 7 còn quy định về phần
lễ, phần hội. Phần lễ: Các dòng, chi họ, quý khách vào lễ dâng hương. Phần hội:
Có mít tinh tưởng niệm trọng thể đọc chúc văn, cùng ôn cố tri ân nhớ về cội
nguồn, nâng cao dân trí xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuỳ theo điều kiện từng
năm (tổ chức) hội thi giới thiệu làng nghề kim hoàn, thăm quan công
trình chuyển dịch cải tạo vườn tạp, sản xuất chăn nuôi dịch vụ, làm kinh tế
giỏi với du khách. Tổ chức thi đấu bóng đá.
Đến dự
và quan sát lễ hội làng Châu Khê năm 2009, năm 2010, chúng tôi thấy, ngày 18 có
lễ cáo yết, chuẩn bị đồ rước, tổ chức tế thần (địa phương mời đội tế làng
Ngọc Cục, 1 làng thuộc xã Thúc Kháng). Có nhiều đoàn, cá nhân đến lễ, đặt
lễ ở ban thờ trước hiên nhà tiền bái, trong nhà tiền bái. Lễ cá nhân ít, đoàn
lễ nhiều. Đoàn nhiều tới hai, ba mươi người, đoàn ít cũng năm, bảy người. Đoàn
lễ với trang phục chỉnh tề, đi theo trật tự. Mỗi đoàn lễ thường có mâm lễ vật
do 1 người đội trên đầu. Mâm lễ vật gồm xôi, gà, quả, bánh, giấy tiền, hương,
bia hộp, chai rượu nút lá chuối... (Trước cách mạng tháng Tám năm 1945,
chuẩn bị cho lễ hội, nhiều gia đình Châu Khê làm bánh xu xê, ruột mầu vàng, làm
bằng bột lọc trộn với nước cốt quả dành dành, lá mảnh cộng, nhân bằng đậu xanh,
gói lá chuối, hấp chín). Đoàn đi có hàng lối từ nơi xuất phát (từ 1 gia
đình trong làng hoặc từ điểm dừng xe ô tô của đoàn lễ) tới ban thờ ở sân
đình. Ban thờ đặt tại điểm gian giữa sân đình giáp với hiên đình. Ban thờ gồm:
Phông vải mầu xanh, khẩu hiệu, 2 lọng che, ảnh Thành hoàng làng, bệ thờ tam cấp
phủ vải đỏ, lư đồng, cúp hội làng Châu Khê, chậu cây sinh vật cảnh, lẵng và
bình hoa tươi. Bên trên có khẩu hiệu "Lễ hội Xuân, giỗ tổ làng nghề
vàng bạc Châu Khê, 19 tháng Giêng Kỷ Sửu 2009".
Ngày lễ chính, 19 tháng Giêng. Ngay từ sáng sớm, các đoàn
lễ đến lễ đông hơn ngày 18. Đội tế nam của làng thực hiện nghi thức tế thành
hoàng trong nhà tiền bái. Khai tế lúc 7 giờ 45 phút, đội trống, đội kiệu long
đình, đội dâng hương dâng hoa, đội cờ lọng, bát bửu, đội rồng, sư tử đã chuẩn
bị sẵn sàng tham gia lễ rước. Trước khi rước kiệu, tuyên bố khai lễ. 9 giờ 34
phút, khai lễ có chào cờ, hát quốc ca, giới thiệu đại biểu, trưởng thôn đọc lời
chúc mừng khai mạc lễ hội, trưởng ban quản lý di tích đọc chúc văn. 10 giờ 5
phút, thực hiện nghi thức rước. Ban tổ chức công bố đội hình rước, phát lệnh
rước. Đi đầu đoàn rước là đội múa lân, thứ tự tiếp theo học sinh, đội nhạc, đội
cờ, lọng, kiệu nước (?), kiệu bát cống đặt tủ mỹ nghệ kim hoàn, đội chấp kích,
đội tế nam (đội tế thôn Châu Khê, đội tế thôn Ngọc Cục), đội tế nữ, dân
làng và khách thập phương. Đoàn rước từ sân đình đi qua cổng tam quan, vòng về
giếng làng, (trước cách mạng đoàn rước đi thẳng đến nghè, làm lễ rồi quay
lại đường cũ, đến ngã 3) rẽ về cổng chính làng, lên đê đi về hướng lăng mộ
Phạm Sỹ. Nghỉ ở lăng mộ Phạm Sỹ, đoàn tế vào thắp hương. Thắp hương xong, đoàn
rước tiếp tục hành trình rồi rẽ vào đường đến chùa Sùng Ân tự. Qua cổng chùa,
trở về đình làng. Về tới đình làng lúc 10 giờ 37 phút. Đặt an vị đồ rước. Trước
cách mạng tháng 8/1945, đoàn rước có 3 điểm khác: Kiệu bát cống đặt tượng thành
hoàng có lọng, quạt che 2 bên kiệu. Đi sau đội tế nam là hội đồng kỳ hào lý mục
và các cụ cao niên trong làng. Nhiều năm xuất hiện kiệu bay, đoạn từ cổng Bến
đến lăng Phạm Sỹ. Lúc đó kiệu và người khiêng kiệu, người cầm quạt, lọng cũng
bay theo. Ông Lê Xuân Thọ, 86 tuổi, Bà Phạm thị Ký, 82 tuổi, hiện ở 42 Tam
Giang, thành phố Hải dương từng chứng kiến cảnh kiệu bay khi xem hội làng năm
khoảng 1943, 1944. Ông bà Thọ, Ký đến nay vẫn giữ kỷ niệm về ngày được xem hội
làng, chứng kiến kiệu bay với "cảm giác lâng lâng, năm đó đều gặp điều
tốt lành".
Kết
luận và đề nghị.
Hội làng
Châu Khê hàm chứa nhiều giá trị lịch sử nhân văn, nhiều phong tục tập quán của
một làng cổ có đặc điểm “tại hương tại phố”. Trước Cách mạng tháng
8/1945 và hiện nay có sự khác nhau ở vài nghi thức trong nghi lễ, lễ vật, phần
hội. Tuy không còn bánh xu xê, vàng thỏi dâng thánh, đội hình tạo nên kiệu bay
trong đám rước, tổ chức hát xướng ca, đánh cờ 15 ngày nhưng lễ hội vẫn giữ được
hồn cốt, nét vui nhộn, hoành tráng của lễ hội làng nghề vàng bạc truyền thống.
Phát huy
giá trị của làng nghề vàng bạc có tuổi lịch sử 550 năm, thiết nghĩ Châu Khê cần
có bộ sưu tập về sản phẩm chế tác vàng bạc trưng bày trong ngày hội truyền
thống. Đội hình trong đám rước, nhất là đội cờ thần, cờ hồng kỳ cần đảm bảo
nghi thức nghiêm trang trong cả thời gian rước.
Đặng
Văn Lộc
Tài
liệu tham khảo:
1.
Châu Khê thần tích sự trạng, tài liệu tại địa phương.
2.
Bản khai sự tích Thành hoàng làng xã Châu Khê, tổng Thị Tranh, huyện Bình
Giang, tỉnh Hải Dương năm 1938 - FQ 40/18/IX, 16 - Viện thông tin
KHXH Hà Nội 1995
3.
Phạm Minh Tiến- Châu Khê thần tích lịch sử và phát triển. Sở thông tin truyền
thông tỉnh Hải Dương cấp phép, 5.2009.
4.
Văn bia Song Khê duyên khánh đường bi ký.
5.
Văn bia Sùng ân tự viết năm Chính Hoà 13 (1692)
6.
Ông Lê Xuân Thọ 86 tuổi, bà Phạm thị Ký 82 tuổi, người làng Châu Khê hiện ở 42
Tam Giang, thành phố Hải Dương.
7.
Ông Phạm Văn Thăng 73 tuổi, người làng Châu Khê, nguyên phó chủ tịch HĐND, Chủ
tịch hội khuyến học huyện Bình Giang.
8.
Ông Phạm Minh Tiến 73 tuổi, Trưởng ban quản lý di tích đình chùa Châu Khê, nghệ
nhân kim hoàn đá quý quốc gia.
9.
Ông Lê Xuân Đương 73 tuổi, người làng Châu Khê, đại diện ban đồng hương Châu
Khê tại phố.
10.Ông
Vũ Đình Năng, Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng huyện Bình Giang.
11.
Ông Phạm Văn Xim, Phó chủ tịch UBND xã Thúc Kháng huyện Bình Giang.
12.
Ông Phạm Huy Đạt 53 tuổi, người làng châu Khê, Trưởng phòng Nội vụ UBND huyện
Bình Giang
13.Ông
Hoàng Đình Dương 45 tuổi, người làng Châu Khê, Chủ nhiệm HTX vàng bạc Châu Khê.
14.
Ông Nguyễn Đình Tuân 80 tuổi, người Châu Khê, nghệ nhân kim hoàn đá quý quốc
gia.
15.
Ông Phạm Hồng Khiêm, trưởng thôn Châu Khê.
16.
Ông Phạm Đình Ngoan, Bí thư chi bộ thôn Châu Khê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
* Các bạn có thể copy link hình và link video clip của youtube và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ.